Thứ 6 - 26/02/2016
“ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH, CHỐNG NHŨNG NHIỄU, TIÊU CỰC”
NÔNG DÂN THAY ĐỔI THÓI QUEN SẢN XUẤT TỪ CHƯƠNG TRÌNH “MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM OCOP”

​Là huyện thuần nông, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Cẩm Mỹ đã vận động bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học trên các loại cây trồng chủ lực như sầu riêng, chôm chôm, hồ tiêu. Song song đó, là định hình các tổ hợp tác, tổ chức thâm canh theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP. Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi thói quen sản xuất của nông dân, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ở các khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị lâu dài, bền vững.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sầu riêng rộng hơn 2ha đang cho thu hoạch, Ông Trần Quang Hiệp, xã Xuân Quế cho biết: trong một lần tham gia bán sầu riêng tại hội giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, ông có dịp gặp gỡ các doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức. Qua trao đổi, ông nắm được thông tin, nhiều doanh nghiệp rất cần nguồn cung sầu riêng số lượng lớn nhưng luôn phải mua nguyên liệu qua tư thương với giá cao. Doanh nghiệp sẵn sàng mua giá cao nếu nông dân cam kết chăm sóc và thu hoạch theo quy trình, bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Quá trình đi vận động, thuyết phục các hộ sầu riêng khác bán hàng cho công ty của ông gặp nhiều khó khăn do thói bán “mão” cho thương lái hoặc đã ứng phân bón, thuốc trừ sâu của đại lý đến mùa phải bán quả cho họ. Hơn nữa, thời điểm đó giữa Hiệp và công ty thu mua sầu riêng chưa ký hợp đồng, chưa chốt giá. Sau thời gian suy nghĩ, ông quyết định, mình phải là người làm trước, người dân phải thấy được hiệu quả họ mới làm theo. Ông đã chuyển dần các giống mới cho hiệu quả và thay đổi quy trình sản xuất theo chương trình OCOP.
Ông Trần Quang Hiệp, hộ trồng sầu riêng xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ chia sẻ: “Tại vì qua nhưng hội nghị xúc tiến thương mại, chuỗi liên kết triển khai về UBND tỉnh triển khai về các huyện, mình thấy cái OCOP có lợi cho bà con nông dân. Mình cũng gương mẫu tiên phong đi đầu nhờ Đảng ủy, chính quyền địa phương, UBND huyện Cẩm Mỹ hỗ trợ nên mình tính làm năm nay, để năm sau bà con nông dân thấy theo tâm lý bà con ai làm được thì làm theo, ý mình cũng cố gắng theo chương trình Ocop này để bà con nông dân nói chung và tổ hợp tác sầu riêng nói riêng”
Thực tế diện tích sầu riêng trên địa bàn xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ  rất lớn trên 200 hecta. Có nhiều hộ có kinh nghiệm  trồng sầu riêng lâu đời, mỗi năm cho tu hoạch từ 20-25 tấn trái/hecta. Nhưng sầu riêng ở đây vẫn bán trổi nổi trên thị trường, thường xuyên bị thương lái ép giá khi vào chính vụ thu hoạch. Khi được ông Hiệp vận động tham gia tổ hợp tác và được giới thiệu bao tiêu ký kết đầu ra, nhiều bà con đã đồng ý tham gia. Đến nay, đã có 5 hộ trồng sầu riêng sản xuất theo hướng sinh học như tự ủ phân vi sinh bón cho cây sầu riêng thay cho phân hóa học. Trồng thảm cỏ đậu quanh gốc cây sầu riêng để giữ ẩm và hạn chế sâu bệnh.
2021 ND THAY DOI THOI QUEN SAN XUAT.jpg
( Vườn sầu riêng được trồng cỏ đậu trải tháp, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật)

Ông Nguyễn Thanh Châu, hộ trồng sầu riêng xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Làm như vậy thì hiện tại  100% mình làm không dùng thuốc cỏ. Bây giờ làm cỏ nhổ bằng tay trong bồn để nó tự phủ. Hằng năm mình không phải phát cỏ mình cứ duy trì như vậy, thảm cỏ này không trôi đất, nâng độ mùn lên cho mình che phủ cây tạo vi sinh vật. Mình cảm thấy cây lúc này nó phát triển xanh tốt chứ trước đây không xanh như vậy đâu ”
Hiện, tổ hợp tác sầu riêng xã Xuân Quế lập hồ sơ đăng ký tham gia sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP với tổng số hộ tham gia 34/69 hộ với tổng diện tích 43 ha/62,07 ha, định kỳ mỗi tháng họp để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, bàn phương án tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ đó, hỗ trợ đăng ký thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2021. Hiện nay, sầu riêng xã Xuân Quế được Công ty xuất nhập khẩu nông sản Toàn Thắng, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ ký kết hợp hợp đồng trước mắt 200 tấn với 3 đợt giá.  Thay vì bán đầu mùa giá cả 60 ngàn đồng/kg, cuối mua rớt giá còn 25 ngàn đồng/kg. Đơn vị thu mua đã trực tiếp tới các hộ và cam kết thu mua theo giá thị trường khi lên cao và khi giá thấp hơn sẽ hỗ trợ về giá để cho bà con yên tâm sản xuất và ký kết cung ứng nông sản lâu dài.
Ông Võ Hồng Hạnh, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ  cho biết: “Hiện nay xã đã tổ chức thành lập được 7 tổ hợp tác, trong đó có tổ hợp tác chuyên về cây sầu riêng để thực hiện mua bán trao đội với công ty Toàn Thắng ở Xuân Tây để vận động bà con tham gia tổ hợp tác này tức nguồn đầu ra ổn định, giá cả phù hợp. Vận động bà con thực hiện các quy trình, ở đây có anh Trần Quang Hiệp một nông dân sản xuất giỏi đúng ra hướng dân bà con và vai trò của hội nông dân đã trong sự chỉ đạo của Đảng ủy, nông dân cùng với các chi tổ hội thành lập các tổ hợp tác này có hướng dân thông qua tập huấn, khuyến nông của huyện, thông qua các buổi sinh hoạt tổ hợp tác bà con với nhau trao đổi kinh nghiệp, hướng dẫn bà con chưa quên mô hình này tiếp cận thông tin rồi từ đó ứng dụng vào sản xuất”
Thời gian qua, huyện Cẩm Mỹ tập trung thực hiện chương trình OCOP. Trọng tâm là sản phẩm nông nghiệp chủ lực tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn Vietgap,  GlobalGAP và hướng đến  thực hiện chương trình Quốc Gia m ỗi xã một sản phẩm OCOP. Khi triển khai chương trình, địa phương có 15 sản phẩm đăng ký tham gia như hạt điều Hoàng Linh Linh, thị trấn Long Giao, gà Bảo Bình, Sầu riêng 6 Hiệp, xã Xuân Quế, Tổ hợp tác bưởi Thừa Đức, Tổ hợp tác tiêu Lâm San…. Với thể mạnh là sản xuất nông nghiệp, với nhiều cây trồng chủ lực có diện tích lớn và được tỉnh quy hoạch cánh đồng lớn. Trong đó có cây Hồ tiêu với diện tích trên 6.000 cây hồ tiêu, tập trung nhiều tại xã Lâm San có diện tích trên 2000 hecta. Hướng tới sản phẩm OCOP tại tổ hợp tác cây hồ tiêu Lâm San. Với số lượng 32 thành viên, diện tích 32 ha, số vốn đóng góp là 250.000.000 đồng. Tổ hợp tác phát triển và sản xuất theo hướng bền vững an toàn, sinh thái, hữu cơ, không lạm dụng các loại hoá chất, giảm chi phí đầu vào thấp nhất. Nhằm giúp cho thành viên tổ hợp tác, các nông hộ tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm hạt hồ tiêu trên địa bàn phát triển, đảm bảo năng suất, thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ thành viên học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Nhân dân xã Lâm San chung sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.
Ông Ngô Hữu Đức, hộ trồng tiêu xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ bày tỏ: Cây tiêu xuống giá cũng ảnh hưởng kinh tế giữ lắm mà giờ vẫn chăm sóc cho cây nó phát triển tốt không có gián đoạn. Với lại đi qua hướng tiêu sạch sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giới hạn để được cái tiêu sạch xuất khẩu để giá cả nó tăng chút định ổn định đỡ thương lái ép giá, ngày xưa thương lái ép giá quá.
Đến thời điểm này, địa phương đã hỗ trợ 2.6 tỷ đồng cho các hộ dân canh tác cây hồ tiêu với tổng diện tích trên 270 hecta gắn hệ thống tưới nước tiết kiệm theo công nghệ Netafim – Israel. Bên cạnh đó, nông dân tham gia cánh đồng lớn được cán bộ tập huấn, hội thảo, hướng dẫn về quy trình sản xuất hồ tiêu sạch. Ngoài ra, khi định hình các tổ hợp tác thu hút các hội viên tham gia, Tổ hợp tác hồ tiêu Lâm San thường xuyên xúc tiến, mở rộng thị trường. Hướng đến tổ hợp tác sẽ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức tư vấn sản xuất, chịu trách nhiệm về chất lượng, thu mua hồ tiêu đạt chuẩn an toàn, sinh thái, hữu cơ, sơ chế đóng gói, liên kết tiêu thụ sản của thành viên, nông dân trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Quý, hộ trồng tiêu xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ cho biết. “Nói chung nhà nước cho bà con tưới tiết kiệm này rất phần với, mình thấy rất sung sướng, quá lợi. Tưới nước hệ thống tiết kiệm có hiệu quả mình tiết kiệm được nguồn nước của từng gốc, bởi mỗi gốc dùng mỗi bét mình phun nó đủ nhưng nó thấm từ từ. Còn mình tưới tay nó phớt qua nước nó đi đâu hết không có độ thẩm cây tiêu không sống được lâu. Tưới tiết kiệm thời gian được 10 ngày còn tưới tay mình tưới lại, tưới tay chỉ 4 ngày thấy nước không còn cây tiêu héo rồi. Bởi vì không thấm được thứ nhất, thứ hai rất lợi công nếu tôi không làm được không có hệ thống tưới tiết kiệm thì tôi phải kêu công làm, một năm tiết kiệm được 40 triệu tiền công, tiền điện tiết kiệm được rất nhiều khoảng 50 triệu/năm.
Hiện nay, huyện Cẩm Mỹ đang tiếp tục nhân rộng dự án cánh đồng mẫu lớn sản xuất tiêu sạch tại xã Lâm San với quy mô diện tích trên 700 hecta với 662 hộ tham gia. Lợi thế không nhỏ là địa phương có Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San làm đầu mối kết nối, thu mua sản phẩm tiêu sạch  với giá bán cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg xuất khẩu qua thị trường các nước châu Âu. Địa phương tiếp tục vận động bà con tổ chức sản xuất theo tổ nhóm, nâng cao chất lượng sản phẩm hướng nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi hộ được cấp 01 mã số có khả năng truy xuất nguồn gốc, toàn bộ quy trình từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, sơ chế, đóng góp, bảo quản khi đến phân phối cho người tiêu dùng điều được khép kín. Giảm tất cả các khâu trung gian. Quản lý sản phẩm chất lượng và minh bạch giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững đạt chuẩn GlobalGAP, sinh thái, hữu cơ, đăng ký chỉ dẫn địa lý, thương hiệu Hồ tiêu Lâm San.
Ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Dự án cánh đồng lớn này ngoài hỗ trợ sản xuất thì chúng tôi còn hỗ trợ các chương trình áp dụng khoa học kỷ thuật sản xuất tốt như sản xuất theo chuẩn Viepgap, Global Gap  cho cây tiêu. Hiện nay, HTX tiêu Lâm San cũng đã thực hiện được việc xuất khẩu hồ tiêu qua các thị trường khó tính như châu Âu. Từ dự án này bà con rất phấn khới và tham gia tích cực dự án cánh đồng lớn vì khi tham gia thấy được cái lợi như nhà nước hỗ trợ thứ hai được tiêu thụ sản phẩm. Việc tiêu thụ sản phẩm là vấn đề rất khó trong ngành nông nghiệp hiện nay”
Tại huyện Cẩm Mỹ, khi triển khai chương trình OCOP, không chỉ nông dân tham gia, mà các công ty, doanh nghiệp cũng tích cực hướng ứng, đăng ký các sản phẩm do đơn vị mình chế biến, sản xuất. Điển hình như công ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh với thương hiệu chủ chốt là Hạt điều rang muối Hoàng Linh Linh. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã tích cực cải tiến công nghệ, mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại, mở rộng hệ thống nhà xưởng, lắp đặt hệ thống phòng lạnh và thay đổi mẫu mã, bao bì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công ty cam kết không sử dụng bất cứ chất bảo quản nào trong sản phẩm của mình, hạt điều được rang mới hàng ngày, sản phẩm tới tay khách hàng không được quá 15 ngày kể từ ngày sản xuất ( trong khi hạn sử dụng đến 1 năm), tỉ lệ hạt sâu, hạt nhỏ, hạt bể phải dưới 1%.  Hạt điều nguyên liệu là hạt điều Việt Nam không phải hàng Châu Phi nên thơm ngon bùi béo và tỉ lệ dinh dưỡng cao hơn rất nhiều. Nhờ chất lượng được nâng cao, hạt điều Hoàng Linh Linh đã được nhiều đơn vị đặt hàng cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh, siêu thị, điểm du lịch trong toàn quốc. Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty tích cực thu mua sản phẩm điều cho nông dân trên địa bàn huyện và giải quyết việc làm cho 50 lao động địa phương với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.
2021 ND THAY DOI THOI QUEN SAN XUAT 1.jpg
( Sản phẩm nông nghiệp sau khi chế biến cũng đăng ký chương trình mỗi xã một sản phẩm Ocop để khẳng định thương hiệu)

Chị Hoàng Linh Linh Công Ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh  chia sẻ: "Công ty Hoàng Linh Linh trải qua 7 năm phát triển chúng tôi được khách hàng tin tưởng và lựa chon trong hàng ngàn sản phẩm hạt điều khác vì chúng tôi luôn đặt sức khỏe người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm luôn hàng đầu. Khi được địa phương kêu gọi tham gia sản phẩm Ocop chung tôi đã đăng ký tham gia. Với quyết tâm  đưa công ty phát triển không chỉ trong nước mà con ra nước ngoài”
Ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Sản phẩm Ocop này có cái lợi là thứ nhất là điều kiện để quảng bá, giới thiệu xúc tiến thương mại để bà con quảng bá sản phẩm, góp phần cho bà con mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là vấn đề đang rất khó trong sản xuất nông nghiệp hiện nay”
Việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” sản xuất các cây trồng chủ lực theo hướng Vietgap. Từ đó,  thay đổi thói quen sản xuất, cải thiện năng suất và gia tăng thu nhập. Hình thành cánh đồng lớn sản xuất theo quy trình, kết hợp xây dựng các thương hiệu nông sản theo thế mạnh từng vùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững. Đặc biệt, hơn cả là sẽ duy trì được sự phát triển bền vững đối với các sản phẩm đã được tỉnh xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP. Đồng thời, mở rộng tiêu thụ rộng rãi ra thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. 

 
Đinh Tài
 

Thi đua-khen thưởng- kỷ luật

Phát huy truyền thống anh hùng, thanh niên huyện Cẩm Mỹ hăng hái lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tặng hoa động viên thanh niên huyện Cẩm Mỹ lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tặng hoa động viên thanh niên huyện Cẩm Mỹ lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tặng hoa động viên thanh niên huyện Cẩm Mỹ lên đường nhập ngũ
Đại diện tân binh bày tỏ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Lễ giao nhận quân
Xem thêm

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẨM MỸ

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai 
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng Ban biên tập Trang Thông tin điện tử huyện Cẩm Mỹ 
Địa chỉ: Khu phố Suối Cả, Thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại : (0251)3878565 - Fax: (0251)3878708 - Email: pvhtt-cm@dongnai.gov.vn​

® Ghi rõ nguồn "UBND huyện Cẩm Mỹ" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​