Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH, CHỐNG NHŨNG NHIỄU, TIÊU CỰC

Tổng quan

TỔNG QUAN VỀ HUYỆN CẨM MỸ

Huyện Cẩm Mỹ được thành lập theo Nghị định 97/2003/NĐ-CP ngày 21-8-2003 của Chính phủ trên cơ sở sát nhập 7 xã phía Nam của huyện Long Khánh (cũ) (Xuân Quế, Sông Nhạn, Xuân Đường, Thừa Đức, Nhân Nghĩa, Long Giao, Xuân Mỹ) và 6 xã phía Tây thuộc huyện Xuân Lộc (Xuân Bảo, Bảo Bình, Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray, Lâm San).
Về vị trí địa lý
Phía Đông Cẩm Mỹ giáp huyện Xuân Lộc; Tây giáp huyện Thống Nhất và huyện Long Thành; Nam giáp huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Bắc giáp Thành phố Long Khánh.
Hành chính
Huyện có diện tích tự nhiên 46.796 ha, có 12 đơn vị hành chính cấp xã và 1 thị trấn, gồm: Sông Nhạn, Xuân Mỹ, Xuân Quế, Thừa Đức, Nhân Nghĩa, Bảo Bình, Xuân Đường, Xuân Bảo, Xuân Tây, Sông Ray, Xuân Đông, Lâm San và Thị trấn Long Giao.
 2024-tongquan huyen 1.png
Bản đồ hành c​hính huyện Cẩm Mỹ
Dân số
Dân số toàn huyện: 36.243 hộ với hơn 139.362 khẩu, đồng bào các dân tộc thiểu số, chiếm 18,5% dân số, đồng bào có đạo, chiếm 47% dân số toàn huyện.  
Điều kiện tự nhiên
Cẩm Mỹ là huyện vùng bán trung du, có địa hình đồi núi nhấp nhô và nhiều suối rạch. Độ cao trung bình của huyện khoảng 100 mét so với mặt nước biển. Đất đỏ Bazan ở Cẩm Mỹ rất màu mỡ và thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su, cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu ...
Về khí hậu, huyện Cẩm Mỹ nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa. Về thổ nhưỡng, huyện Cẩm Mỹ nằm trong khu vực núi lửa phun trào cách nay hàng triệu năm. Những phún xuất thạch tạo nên vùng đất đỏ bazant phì nhiêu rất thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cao su, tiêu, cà phê, điều và các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái. Ngoài ra Cẩm Mỹ còn có loại đất đen thích hợp các loại cây công nghiệp, cây ăn trái.
Hầu hết các sông suối trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đều nhỏ, ngắn và không sâu, do vậy nguồn nước mặt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt bị hạn chế. Tuy nhiên các sông suối được phân bố rộng, có khả năng cung cấp nước trong mùa khô như sông Ray, suối Cả, suối Râm, suối Thề…Đặc biệt sông Ray đoạn chảy qua huyện dài 25km, lưu lượng trung bình 10,6m3/s, dòng sông chính có nước quanh năm, còn đại bộ phận các nhánh suối đều cạn kiệt vào mùa khô. Nhiều công trình hồ, đập đã được xây dựng nhằm khai thác sử dụng nguồn nước từ các sông suối nói trên, bao gồm hồ Suối Vọng, hồ suối Đôi, hồ suối Cả, hồ cầu Mới, hồ suối Rang, hồ Long Giao…Với địa thế tự nhiên, nhiều hồ đập, huyện Cẩm Mỹ có thể quy hoạch những khu du lịch sinh thái, đón khách từ Vũng Tàu về, Long Thành qua.
Huyện Cẩm Mỹ còn có tài nguyên đá có thể khai thác làm vật liệu xây dựng, làm bàn ghế đá, đất làm gạch.
Đặc điểm mảnh đất, con người, truyền thống lịch sử
Đến đầu thế kỷ 20, Cẩm Mỹ vẫn còn là một vùng hoang mạc, cư dân bản địa chỉ là những người buôn sóc nhỏ gồm các dân tộc Châu Ro, Thái, Campuchia, nằm rải rác ở các thung lũng bên cạnh đồi núi. Những tên đất, tên làng như núi con Rắn, núi con Chim, suối Sóc, suối Cà Răng, Cu Nhí…gắn liền với cuộc sống tự nhiên hoang mạc của đồng bào các dân tộc ít người.
Khi ba tỉnh miền Đông rồi toàn lục tỉnh Nam kỳ lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp, Cẩm Mỹ cũng như vùng đất Biên Hòa nằm trong khu vực khai thác cây công nghiệp của tài phiệt Pháp. Năm 1912, người Pháp bắt đầu cho chiếm đất thành lập tại đây đồn điền cao su Cuộc-tơ-nay (Plantion de Courternay). Chính trong thời gian này, tên gọi Cẩm Mỹ ra đời, đây là tên gọi mới đặt cho nông trường cao su được cải tổ và phát triển trên cơ sở đồn điền cao su Cuộc-tơ-nay. Bắt đầu từ đó cho đến sau kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Cẩm Mỹ được bổ sung thêm nhiều thành phần cư dân. Ngoài công nhân trong đồn điền cao su Cuộc-tơ-nay, còn có những gia đình thiên chúa giáo, người Hoa, Nùng di cư từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào tránh bom đạn cùng với thân nhân của các binh sĩ ngụy đóng ở vùng Cẩm Mỹ. Số đồng bào mới về lập nghiệp sau này, một phần được bổ sung vào đội ngũ công nhân cao su Cuộc-tơ-nay, một phần ở ngoài lập rẫy làm ăn sinh sống.
Nằm ở cửa ngõ của vùng căn cứ kháng chiến, Cẩm Mỹ còn được biết đến là một mảnh đất có truyền thống và tinh thần đấu tranh cách mạng rất cao mặc dù thành phần xuất thân và nguồn gốc dân cư có khác nhau. Số người thoát ly đi kháng chiến ở Cuộc-tơ-nay đã phát triển thành phong trào rất mạnh mẽ, liên tục trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến. Trong đó, xã Bảo Bình và Nông trường cao su Cẩm Mỹ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang ".
Giao thông
2024-tongquan huyen 2.png 
Đoạn đường cao tốc đi qua huyện Cẩm Mỹ chụp từ trên cao (Ảnh: Cao Tuấn)
Trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, có 4 đường giao thông chính: Quốc lộ 56 là đường trục chính của huyện từ Hàng Gòn qua xã Nhân Nghĩa, xã Long Giao, xã Xuân Mỹ xuống huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; đường 764 từ ngã ba xã Xuân Mỹ xuống xã Sông Ray tiếp giáp huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; đường 765 từ xã Lang Minh huyện Xuân Lộc qua xã Xuân Đông, Sông Ray và xã Lâm San tiếp giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Hương lộ 10 (ĐT 773) từ thị trấn Long Giao qua Cẩm Đường, Suối Trầu, Bình Sơn (Long Thành) ra thị trấn Long Thành nối liền với đường quốc lộ 51A.
Kinh tế xã hội
Là một huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có các đầu mối giao thông thuận lợi về đường bộ, Cẩm Mỹ có rất nhiều điều kiện để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, trao đổi hàng hóa với các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, theo quy hoạch của Trung ương và của tỉnh, huyện Cẩm Mỹ nằm trong một vùng kinh tế phát triển với nhiều công trình được xây dựng quy mô lớn, có tác động mạnh đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, như: Sân bay quốc tế Long Thành (kế cận huyện Cẩm Mỹ); đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (dài 54,94km, đoạn đi qua huyện Cẩm Mỹ dài 8km); cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (đoạn đi qua huyện Cẩm Mỹ); Cụm cảng nước sâu Vũng Tàu - Thị Vải... Các công trình này khi xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động có thể thu hút rất nhiều nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương.
Cẩm Mỹ là một huyện thuần nông có diện tích đất nông nghiệp chiếm 90% diện tích đất tự nhiên. Khi mới thành lập, với đặc điểm sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thương mại dịch vụ còn nhỏ lẻ, công nghiệp - TTCN chưa đáng kể, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu, trình độ dân trí chưa cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn khó khăn, thiếu thốn. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên và xã hội Đảng bộ huyện đã xác định ngay từ đầu ngày thành lập huyện phát triển theo cơ cấu: Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ - Công nghiệp xây dựng, trong đó nông nghiệp được xem là mặt trận ưu tiên hàng đầu.
Qua 4 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, cùng với việc xây dựng các Nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, sắp xếp bộ máy, cơ sở vật chất, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực sẵn có của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện khắc phục khó khăn, chung sức, đồng lòng, nêu cao tinh thần đoàn kết, triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực, phát động các phong trào thi đua yêu nước; tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Tỉnh để xây dựng huyện ngày càng phát triển toàn diện và đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực./.
BBT Trang TTĐT huyện

Các trang giới thiệu khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Huyện Cẩm Mỹ

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẨM MỸ

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng Ban biên tập Trang Thông tin điện tử huyện Cẩm Mỹ
Địa chỉ: Khu phố Suối Cả, Thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại : (0251)3878565 - Fax: (0251)3878708 - Email: pvhtt-cm@dongnai.gov.vn ​

® Ghi rõ nguồn "UBND huyện Cẩm Mỹ" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​