Huyện Cẩm Mỹ được thành lập theo Nghị định số 97/2003/NĐ-CP ngày 21/8/2003 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/01/2004 trên cơ sở sáp nhập 07 xã của huyện Long Khánh cũ và 06 xã của huyện Xuân Lộc, có diện tích tự nhiên là 46.445 ha (464,45 km2) chiếm 7,9% diện tích tự nhiên của tỉnh Đồng Nai, dân số năm 2004 là 151.696 người.
Huyện có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai, Trung tâm huyện cách thành phố Biên Hòa 50 km theo tuyến Quốc lộ 56 nối với Quốc lộ 1A. Cách thành phố Vũng Tàu khoảng 74 km theo tuyến Quốc lộ 56 nối với Quốc lộ 51. Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn đi qua huyện dài 11,3km); trong tương lai đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (đoạn đi qua huyện dài 24km); có vị trí liên kết thuận lợi với cụm cảng nước sâu Vũng Tàu - Thị Vải. Đặc biệt khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng và đi vào hoạt động thì tuyến Hương Lộ 10 sẽ là trục giao thông chính để vận chuyển khách từ sân bay về các tỉnh Nam Trung Bộ và ngược lại, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho các xã nằm trên trục đường này như Thừa Đức, Xuân Đường, Long Giao,.... có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.
Với xuất phát điểm nhiều khó khăn: Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, trụ sở, trang thiết bị làm việc của các đơn vị hành chính xuống cấp; các cơ quan Đảng, Nhà nước và các ban ngành chưa được đầu tư xây dựng, đội ngũ cán bộ phần lớn mới tuyển dụng và chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Sở ngành cấp tỉnh, sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy, giám sát tạo điều kiện của HĐND huyện, sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cẩm Mỹ, kinh tế huyện Cẩm Mỹ đã từng bước phát triển, tạo ra bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
1. Giai đoạn 2004 -2020: Huyện Cẩm Mỹ tập trung phát huy thế mạnh nông nghiệp; Nông nghiệp và kinh tế nông thôn từng bước phát triển, theo hướng sản xuất sạch, nâng dần chuỗi giá trị trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
* Nông nghiệp là thế mạnh
Giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản (quy đổi theo giá so sánh 2010) đạt 1.528,94 tỷ đồng năm 2004 lên 5.146 tỷ đồng (năm 2020), tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8,55%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (đến năm 2020 giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 26,47%, cao hơn so với năm 2015 chiếm 24,59%; dịch vụ chiếm tỷ trọng 46,01%, cao hơn so với năm 2015 chiếm 37,27%; nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,52%, giảm hơn so với năm 2015 chiếm 38,08%).
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 22.861,7ha/20.268ha. Tổng diện tích cây lâu năm 30.848ha/32.707ha.
Trong sản xuất nông nghiệp đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây trồng năm sau tăng cao hơn năm trước. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động: Cụ thể đã chuyển đổi từ cây điều, cây cao su tiểu điền, vườn tạp sang cây tiêu, cây bơ, cây bưởi... và những cây trồng không có hiệu quả sang cây sầu riêng với tổng diện tích là 7.500 ha.
Chăn nuôi: Từ năm 2004 đến nay, ngành chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng trang trại đã đem lại hiệu quả và thu nhập cao cho nông dân. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng khá cao trong ngành sản xuất nông nghiệp, từ 14,88% năm 2004 lên 52,74% năm 2018.
Ngành chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng tập trung, công nghiệp, trang trại với quy mô đàn từ 200 con trở lên trong các Khu chăn nuôi tập trung, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2008, huyện đã quy hoạch 20 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 7.384 ha trên địa bàn 10 xã, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, kết hợp phát triển chăn nuôi với phát triển trồng trọt tạo sự phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, đã có 06/10 xã có khu chăn nuôi tập trung có trang trại chăn nuôi; tổng số trang trại trong khu chăn nuôi tập trung là 49 trang trại tăng 9,8 lần so với trước khi quy hoạch.
Tổng số trang trại hiện có là 155 trang trại, trong đó có 139 trang trại heo, 10 trang trại gà, 06 trang trại bò và 01 trang trại vịt.
(Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại)
Lâm nghiệp: Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phòng, chống cháy rừng được thực hiện tốt; hàng năm huyện đã phát động trồng cây các loại tại trường học và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Diện tích rừng của huyện đến nay có 264,2 ha rừng, trong đó có 44,2 ha rừng phòng hộ tại xã Sông Ray.
* Nông nghiệp và kinh tế nông thôn từng bước phát triển, theo hướng sản xuất sạch, nâng dần chuỗi giá trị trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu được tập trung chỉ đạo. Cơ cấu cây trồng được tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh ở một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; đã hình thành một số vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 170 triệu đồng/ha/năm tăng gấp 1,55 lần so năm 2015 (110 triệu đồng/ ha/năm).
Những năm qua, nhiều xã trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung. Như vùng trồng rau củ 640 ha tại các xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Xuân Bảo, vùng trồng lúa trên 1.000 ha tại các xã: Sông Ray, Xuân Tây, Sông Nhạn; trồng sầu riêng tại các xã: Xuân Bảo, Nhân Nghĩa; trồng cà phê tại các xã: Xuân Tây, Xuân Quế; trồng tiêu tại các xã: Sông Ray, Xuân Tây, Bảo Bình, Sông Ray, Lâm San, Xuân Đông....
Trong giai đoạn 2015 - 2020 toàn huyện đã có thêm 3 sản phẩm được chứng nhận VietGAP và 1 sản phẩm chứng nhận hữu cơ gồm: sầu riêng; lúa, rau và tiêu hữu cơ. Riêng tại xã Sông Ray, huyện đã triển khai thực hiện mô hình lúa sạch, sản xuất gạo ST24, là một trong những loại gạo được mệnh danh là ngon nhất Việt Nam năm 2019 với diện tích 10 ha.
(Mô hình trồng lúa sạch tại xã Sông Ray)
Chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh theo hướng trang trại, an toàn sinh học. Nuôi trồng thủy sản được quan tâm, năng suất, sản lượng hàng năm đều tăng. Kinh tế trang trại được đẩy mạnh phát triển, được đầu tư với quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả. Đến nay, đã có 155 dự án đầu tư trang trại chăn nuôi và 04 cơ sở giết mổ tập trung thực hiện đúng theo quy mô được quy hoạch phê duyệt. Chăn nuôi công nghiệp, trang trại chiếm trên 70% tổng đàn, trong đó có 06 trang trại chăn nuôi đã được chứng nhận VietGAP và 07 THT chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP, 35 trang trại được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Kinh tế hợp tác và hợp tác xã được củng cố và ngày càng phát triển, các hợp tác xã cơ bản được tổ chức lại và hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012, phương thức hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay; số lượng hợp tác xã được tăng lên, nhiều hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, thông qua các hình thức xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đã mang lại lợi ích cho các thành viên, giải quyết việc làm, từng bước đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện việc hợp tác phát triển kinh tế giữa huyện với các địa phương khác trong tỉnh và ngoài tỉnh như liên kết các doanh nghiệp các vùng lân cận trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện (cây dâu tằm, cây tiêu, cây bưởi, cây sầu riêng...)
Tổng số Hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp hiện có 25 HTX, tổng số thành viên đăng ký 586 thành viên, 572 thành viên đang tham gia; vốn điều lệ đăng ký 73.600 triệu đồng; vốn điều lệ đã góp 63.271 triệu đồng. Các HTX chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực cung ứng phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ nước sạch nông thôn; thu mua rau an toàn, thu mua nông sản; chăn nuôi, trồng trọt. Tổng số THT trên địa bàn huyện hiện có 173 THT với 7.411 thành viên, diện tích đất sản xuất hơn 4.150 ha.
* Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng.
Mặc dù xác định nông nghiệp vẫn được ưu tiên hàng đầu, nhưng huyện đã chú trọng tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật; đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn công nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu và thu hút được nhiều dự án lớn trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Theo số liệu ước tính, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng cuối năm 2020 ước đạt 5.300 tỷ đồng, mức tăng bình quân hàng năm đạt 15,12%/năm. Hoạt động thương mại - dịch vụ chuyển biến tích cực, năm 2020 toàn huyện có 6.086 cơ sở, tăng 1.100 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ. Giá trị hoạt động thương mại dịch vụ tăng bình quân 18,3%/ năm.
Đặc biệt là ngành chủ lực thu mua chế biến nông sản; giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm (giá so sánh năm 2010) đạt 15,37%/năm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn, nhằm khai thác có hiệu quả, tiềm năng và lợi thế của huyện, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành và UBND tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư để sớm hình thành cụm công nghiệp tại Long Giao, khu công nghiệp Cẩm Mỹ tại xã Thừa Đức. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng cuối năm 2020 ước đạt 5.300 tỷ đồng, mức tăng bình quân 15,12%/năm (NQ: 15-16%). Năng lực sản xuất công nghiệp 05 năm qua tăng khá so với một huyện thuần nông.
Hoạt động thương mại - dịch vụ được củng cố và phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng bình quân hàng năm đạt 18,27%, (NQ: 17-18), từ 4.969 cơ sở (năm 2015) lên 6.068 cơ sở (năm 2020), giải quyết việc làm cho 11.139 lao động; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ được tập trung lãnh đạo triển khai. Công tác xúc tiến thương mại được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng hóa về nông thôn, kết hợp vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp chợ văn hóa theo quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo điều kiện mua bán, giao thương của nhân dân. Phát triển đồng bộ các hoạt động dịch vụ nông thôn như: Dịch vụ vận tải, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế...
2. Giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo: Huyện Cẩm Mỹ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững; chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ theo hướng bền vững.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong những năm qua, trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo huyện Cẩm Mỹ tiếp tục phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, tăng bình quân 13 - 14%/năm. Trong đó: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp tăng 5- 6%/năm. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 16 - 17%/năm. Giá trị ngành thương mại - dịch vụ tăng 18 - 19%/năm.
* Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, ứng dụng công nghê cao để nâng cao chất lương sản phẩm gắn với thương hiệu sản phẩm được xác định là khâu đột phá.
Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để hình thành các vùng trọng điểm cây trồng, vật nuôi, cánh đồng lớn theo hướng chuyên canh, chuyên môn hóa cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, chú trọng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trên từng loại cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển cây, con chủ lực có giá trị kinh tế cao và lợi thế so sánh trên thị trường.
Huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nhiều chương trình, dự án để đầu tư xây dựng mới các hồ tích, trữ nước trên địa bàn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, gia cố, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hồ, đập, kênh mương, nâng cao công năng, sức chứa của hồ, đập, đảm bảo chủ động được nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, hệ thống ống dẫn để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Tích cực thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng trung tâm (OCOP) của huyện nhằm quảng bá thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp sạch, bán công nghiệp, xử lý môi trường bền vững; đẩy mạnh thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất chăn nuôi vào vùng được phép chăn nuôi, để tổ chức sản xuất theo đúng Luật chăn nuôi, đảm bảo phù hợp với quy định của ngành. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn kết hợp kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vào các vùng phát triển chăn nuôi, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm không dàn trải.
Tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao có hiệu quả và bền vững, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; huy động các nguồn vốn (kể cả vốn nước ngoài) để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nông thôn, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp trên địa bàn các xã, kết hợp với đào tạo nghề nông thôn; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút lao động nhàn rỗi tại địa phương. Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; xây dựng nông thôn dân chủ ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững. Hình thành các khu dân cư kiểu mẫu, hiện đại.
Khuyến khích, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có, đồng thời phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nâng tổng giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được tạo ra của kinh tế tập thể năm sau cao hơn năm trước, gắn kết và xây dựng các chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.
* Chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ theo hướng bền vững:
Ưu tiên phát triển công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ, công nghiệp chế biến sâu, chế biến nông sản, thực phẩm và ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Chú trọng phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ sạch gắn kết với sự phát triển của các ngành công nghiệp trong vùng như cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Từng bước nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ trong mỗi sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, thích ứng với những đòi hỏi của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn, nhằm khai thác có hiệu quả, tiềm năng và lợi thế của huyện, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch, hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với quy mô thích hợp; tiếp tục kêu gọi đầu tư để sớm hình thành cụm công nghiệp Long Giao; xây dựng khu công nghiệp Cẩm Mỹ; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm phát triển kinh tế.
Tập trung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ; hoàn chỉnh quy hoạch và đầu tư một số khu trung tâm thương mại - dịch vụ để phục vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện gắn với phát triển đô thị Long Giao và phát huy lợi thế của sân bay Long Thành. Tổ chức phát triển các ngành dịch vụ logistic, dịch vụ trao đổi sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và các khu thương mại - dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, phát triển mạng lưới thương xá ở đô thị và chợ nông thôn, các điểm dịch vụ cung ứng vật tư sản xuất, thu mua nông sản, thực phẩm. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển thương mại dịch vụ, thúc đẩy lưu thông hàng hóa; huy động vốn đầu tư ở mọi thành phần kinh tế, đa dạng hoá hình thức sở hữu để khai thác các điểm du lịch theo quy hoạch được duyệt. Đa dạng hoá các ngành dịch vụ, phát triển các loại hình dịch vụ mới; khuyến khích nhân dân xây dựng, nhân rộng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch vườn, du lịch nông nghiệp, góp phần nâng dần tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Tăng cường phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình đưa hàng về phục vụ nhân dân ở các xã. Khuyến khích, tuyên truyền và vận động nhân dân hưởng ứng chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp chợ xã theo quy hoạch được duyệt. Phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ nông thôn như: dịch vụ vận tải, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế và phát triển các loại hình dịch vụ sản xuất nông nghiệp./.
MINH NGUYỆT