Xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất huyện. Những năm qua, các tổ hợp tác lúa sạch tại đây đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Tại tổ hợp tác lúa sạch ấp 9, xã Sông Ray, giống lúa hữu cơ DT39 đã được nông dân đưa vào sản xuất thử nghiệm. Sự khác biệt của DT39 so với nhiều giống lúa khác chính là quy trình canh tác hữu cơ hoàn toàn, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học. Qua hai vụ lúa, DT39 cho thấy khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Đặc biệt, hạt gạo DT39 khi nấu chín mang hương vị tự nhiên đặc trưng, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Giống lúa ĐT 39 nhiều ưu điểm cho với các giống lúa khác
Ông Nguyễn Văn Ngàn – nông dân tiên phong trồng giống DT39 tại xã Sông Ray chia sẻ " đưa giống DT 39 vào sản xuất thí điểm, chúng tôi muốn nhân rộng cho bà con nông dân làm theo. Thời điểm này, giá cả không phải là mối bận tâm lớn, quan trọng nhất là mình làm ra sản phẩm sạch để phục vụ chính mình và cộng đồng địa phương."
Theo ông Vũ Xuân Thùy – Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa sạch ấp 9, năng suất lúa DT39 hiện khá ổn định: vụ hè thu đạt khoảng 5 tạ/sào, còn vụ đông xuân lên đến 8 tạ/sào. Nhờ chất lượng vượt trội, gạo DT39 khi đưa ra thị trường được bán với giá cao hơn giống ST24, ST25 từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg."Gạo thơm, dẻo, được thị trường ưa chuộng nên đầu ra cũng thuận lợi hơn," ông Thùy cho hay.
Xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ hiện có trên 200 hecta đất sản xuất lúa, trong đó hơn 18 hecta được canh tác theo phương pháp hữu cơ, ký kết với Tập đoàn Quế Lâm với các giống lúa như DT39 và ST25. Theo bà con nông dân, canh tác các giống lúa mới theo phương pháp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Nếu như vụ Đông Xuân cho năng suất dao động từ 8 tạ đến 1 tấn/sào. Với các giống lúa truyền thống, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng/sào. Trong khi đó, DT39 và ST25 giúp nông dân thu về mức lợi nhuận lên đến 5 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trước đây.

ĐT 39 cho hạt gạo thơm, dẻo, được thị trường tin dùng
Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch UBND xã Sông Ray cho biết "hiện nay, mô hình trồng lúa DT39 hữu cơ đã được triển khai thí điểm trên diện tích hơn 1,5 ha, liên kết với Tập đoàn Quế Lâm. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này tại các tổ hợp tác ở ấp 9, ấp 10. Giá bán gạo DT39 ra thị trường dao động từ 15.000 đến 16.000 đồng/kg, còn gạo có thể lên đến 36.000–40.000 đồng/kg."
Việc đưa các giống lúa mới vào canh tác bằng phương pháp hữu cơ không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn thay đổi tư duy sản xuất do hạn chế sử dụng hóa chất giúp cải thiện chất lượng đất, bảo vệ môi trường và hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững.