Mỗi năm, khi mùa hoa ở các địa phương bắt đầu khoe sắc, những người nuôi ong lại rong ruổi khắp các vùng miền, đưa đàn ong của mình đến những nơi có nguồn hoa dồi dào để thu hoạch những giọt mật tinh túy mang hương vị đặc trưng của từng vùng quê.
Khi mùa lá cao su rụng, anh Vũ Văn Tuân, người nuôi ong giàu kinh nghiệm tại tỉnh Bình Thuận, lại đưa 400 thùng ong vào Cẩm Mỹ, Đồng Nai để khai thác nguồn mật từ cây cao su và các loại cây khác. Nghề nuôi ong không vất vả, nhưng đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật, biết cách chăm sóc đàn ong để chúng ít bị bệnh và đảm bảo năng suất. Ngoài ra, yếu tố thời tiết đóng vai trò quan trọng. Bởi, nếu thời tiết thất thường, nguồn hoa không đủ sẽ ảnh hưởng đến sản lượng mật thu hoạch. Ngoài ra, việc giữ gìn chất lượng mật cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của người nuôi ong. Anh Tuân chia sẻ.

Vào mùa lá cao su rụng, anh Tuân thợ nuôi ong từ Bình Thuận lại đến các vườn cao su Cẩm Mỹ để lấy mật
Với 25 năm gắn bó cùng nghề, anh Tuân rong ruổi khắp các vùng miền. Lúc ở Tây Nguyên để khai thác mật từ hoa cà phê, ra miền Bắc để lấy mật từ hoa nhãn, hay về miền Trung để tận dụng nguồn mật từ bông tràm. Mỗi vùng anh lưu lại từ 1 - 3 tháng, thu hoạch trung bình 2-3 tấn mật ong mỗi đợt. Nhờ áp dụng các kỹ thuật nuôi ong tiên tiến và đảm bảo chất lượng sản phẩm, hằng năm anh Tuân thu về khoảng 100 tấn mật ong mỗi năm. Sản phẩm của anh không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ thông qua hợp tác xã.
Anh Tuân chia sẻ: "Dòng mật này mình làm phải đúng quy trình công ty để không nhiễm khuẩn, không nhiễm kháng sinh, không nhiễm đường. Những người làm mật giả thường trộn thêm đường để quay mật, nhưng khi xuất khẩu, các nước kiểm tra rất nghiêm ngặt."

Mùa cao su lá rụng, Cẩm Mỹ thu hút nhiều thợ nuôi ong các tỉnh khác đến lấy mật ong
Ông Phan Văn Đức, Phó chủ tịch UBND xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ nhận định: "Mùa này là mùa lá rụng của cây cao su, nên có nhiều mật ong. Trong khi đó, những người nuôi ong từ các tỉnh khác cũng đổ về đây rất đông để khai thác mật, tận dụng thời điểm thích hợp."
Dẫu vất vả, nghề nuôi ong du mục vẫn là nguồn sinh kế bền vững cho nhiều gia đình. Và với những người như anh Tuân, hành trình rong ruổi theo những mùa hoa để mang hương vị của từng vùng đất, không chỉ là công việc mà còn là một niềm đam mê, một cuộc đời gắn bó với những cánh rừng và những đàn ong cần mẫn, chăm chỉ.