Xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ hiện đang là vùng nuôi bò thịt lớn nhất Đồng Nai với công suất cao điểm có thể lên tới hàng chục ngàn con. Tuy nhiên, nuôi bò quy mô lớn cũng đang gặp khó.
Các trang trại ở xã Xuân Đông có quy mô rất lớn, được đầu tư hiện đại với quy trình khép kín, chăn nuôi tuần hoàn, từ đầu vào thức ăn, đến việc xử lý chất thải thành phân bón, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ở đây có nhiều lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi bò, như quy hoạch bài bản, vùng nguyên liệu dồi dào cung cấp thức ăn thô. Thế nhưng, hiện chăn nuôi bò đang gặp khó khăn lớn.
Bà Hoàng Thị Hằng, Quản lý trại bò Bảo Lâm, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ chia sẻ, đối với nghề chăn nuôi bò so với thời điểm cách đây 2 năm là sụt 20 giá. Hồi đó 1 con bò trang trại xuất 90 ngàn đồng/kg, giờ còn có 70 ngàn đồng/kg. Lúc đó trang trại không có bò bán xuất ra, nhu cầu rất lớn. Còn bây giờ chúng tôi sản xuất chỉ cầm chừng thôi, cầm chừng là để nuôi công nhân. Các doanh nghiệp, trang trại ở đây, thời điểm này mà kinh doanh ngành bò là không có lãi.
Nhiều trang trại sản xuất “cầm chừng” để nuôi công nhân
Trại bò Bảo Lâm, có công suất nuôi hơn 1.500 con, nhưng hiện đàn đã giảm còn khoảng 600 con. Lý do vẫn là giá cả. Theo tính toán, giá thành sản xuất một kg thịt bò là khoảng 68 ngàn đồng, mà giá bán ra chỉ là 70 ngàn, chi phí nhân công, máy móc... còn phải co kéo mới đủ. Cách đây khoảng 2 năm, mỗi ngày trại xuất bán hàng trăm con. Nhưng cũng từ đó đến nay, giá cứ đi xuống và đi xuống, phần lớn các trại đều đã phải giảm đàn, nuôi cầm cự. Giờ mỗi ngày trại xuất chỉ còn vài con.
Nhiều trang trại giảm đàn, chuồng trại bỏ không
Bà Hoàng Thị Hằng, Quản lý trại bò Bảo Lâm, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ cho hay, kinh tế suy thoái, với bò đông lạnh nhập về nhiều quá, bò đông lạnh nó rẻ. Mà người Việt Nam mình thì biết rồi, cứ rẻ thì họ mua. Họ không có nhu cầu thịt bò tươi, thì bắt buộc các thương lái họ nhập bò của mình ít lại. Đây cùng chính là nguyên nhân đến việc chăn nuôi bò khó khăn như hiện tại.
Cẩm Mỹ là vùng chăn nuôi bò lớn nhất tỉnh, chủ yếu ở xã Xuân Đông với 5 trang trại lớn nhất. Có lúc tổng đàn bò tới lên hơn 33 ngàn con. Nhưng hiện tại, trung bình các trại lớn ở đây đều giảm mạnh đàn, có trại còn vài trăm, trại còn nhiều cũng chỉ 1, 2 ngàn. Và hiện cũng chưa có thống kê đầy đủ để thấy mức giảm đàn như thế nào.
Ông Nguyễn Tô Ngọc Hoàng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chú yếu chăn thả, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Đối với các trang trại lớn chú yếu nuôi vỗ béo từ giống bò Úc. Nguồn thức ăn, nguyên liệu chính các trang trại này liên kết với HTX Đông Tây, một trong những HTX cung cấp bắp nguyên khối giúp cho nguồn thức ăn phong phú cung cấp cho các trại.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, 6 tháng đầu năm Cục Chăn nuôi đánh giá, đàn trâu bỏ giảm đặc biệt số đầu con. Hiện nay các nước như Ấn Độ, họ nuôi trâu sữa chỉ lấy sữa, giá rẻ như cho với số lượng rất lớn. Hiện nay chỉ trên dưới 8 chục ngàn. Nên tôi nghĩ cách tốt nhất là lập hàng rào kỹ thuật để bảo hộ cho ngành chăn nuôi trong nước.
Cũng theo nhiều chủ trang trại, hiện ngành chăn nuôi bò đang chịu sức ép rất lớn từ thịt trâu sữa gắn mác bò nhập khẩu từ Ấn Độ. Do Ấn Độ nuôi trâu lấy sữa mà không ăn thịt, nên thịt trâu được bán với giá rất rẻ. Thịt bò có lúc rẻ hơn thịt heo là một điều khá... bất thường. Và nhiều trang trại mong muốn ngành chăn nuôi bò đang cần có thêm các chính sách hỗ trợ để có thể đứng vững.