Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng tất yếu trong sự phát triển kinh tế - thương mại toàn cầu. Tại các chợ truyền thống ở vùng nông thôn như huyện Cẩm Mỹ hình thức thanh toán này cũng đang phát triển mạnh mẽ. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các chợ truyền thống, xây dựng mô hình Chợ thông minh 4.0 – Không dùng tiền mặt đã dần được người dân tin tưởng và tích cực sử dụng.
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, hình ảnh quen thuộc tại các chợ truyền thống với cảnh chọn hàng, mặc cả, trả giá nay có thêm một điểm mới: người mua không cần mang theo tiền mặt. Thay vì lo lắng về tiền lẻ hay an toàn khi mang nhiều tiền mặt, người đi chợ giờ đây chỉ cần mang theo một chiếc điện thoại có ứng dụng ngân hàng, quét mã QR là hoàn tất giao dịch.
Chị Hoàng Thị Bích Vân, người dân xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, chia sẻ: "Nếu ra đường không mang theo tiền mặt, tôi vẫn có thể thanh toán qua điện thoại, rất tiện lợi. Không chỉ giới trẻ, mà nhiều người lớn tuổi cũng dần làm quen và sử dụng công nghệ nhiều hơn."

Giới trẻ lựa chọn hình thức thanh toán Qr khi trao đổi hàng hóa
Bà Hoàng Thị Hoa, người dân xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, cho biết: "Trước đây đi chợ phải cẩn thận giữ tiền, giờ chỉ cần quét mã là xong, mua hàng xong mang về, rất tiện lợi. So với trước kia, cách này thực sự tiện hơn nhiều."
Sau dịch Covid-19, phương thức thanh toán tại các khu chợ vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai đã có sự thay đổi đáng kể. Từ chỗ người dân chỉ quen giao dịch bằng tiền mặt, hiện nay gần 70% tiểu thương đã có mã QR thanh toán, và toàn bộ tiểu thương đều chấp nhận giao dịch chuyển khoản qua Viettel Money hoặc ứng dụng ngân hàng theo yêu cầu của khách hàng.
Thời gian qua, thanh toán điện tử đã trở thành thói quen của nhiều người, không chỉ ở thành thị mà cả khu vực nông thôn. Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng phương thức thanh toán này, tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tiểu thương và người dân tại các chợ truyền thống ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, mua bán hàng hóa.

Sử dụng mã QR rất phổ biến hiện nay tại các chợ truyền thống ở các vùng quê
Bà Nguyễn Thị Tâm, thành viên Ban Quản lý chợ Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, nhận định: "Chúng tôi tích cực hỗ trợ, tuyên truyền để tiểu thương và người dân quen dần với việc thanh toán không tiền mặt. Việc sử dụng mã QR rất tiện lợi, giúp giao dịch nhanh chóng, hạn chế tình trạng mất cắp và còn giúp người mua, người bán dễ dàng quản lý tài chính hơn."
Một trong những yếu tố quan trọng giúp mô hình Chợ 4.0 phát triển chính là sự đồng hành của các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, Vietinbank, HD Bank và VNPT Đồng Nai đã chủ động cử nhân viên xuống chợ hỗ trợ tiểu thương lập mã QR, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng nhằm khuyến khích tiểu thương tham gia.
Việc nhân rộng mô hình chợ 4.0 không chỉ giúp người dân tiếp cận với công nghệ tài chính hiện đại mà còn là bước đi chiến lược trên con đường phát triển xã hội số và kinh tế số tại Đồng Nai.