Trước tình hình bệnh dại trên đàn chó, mèo xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp chủ động nhằm kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Mới đây, tại xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, một người dân đã báo cáo việc bị chó hoang chạy vào nhà cắn và sau đó chết bất thường. Kết quả xét nghiệm cho thấy con chó dương tính với vi rút dại. Trước tình huống đó, các ngành chức năng địa phương đã khẩn trương thực hiện tiêu hủy theo quy định, tiến hành tiêu độc, khử trùng khu vực và tổ chức tiêm phòng ngừa cho đàn chó mèo tại khu vực xảy ra sự việc cũng như các địa phương lân cận.

Người dân xã Bảo Bình thực hiện tốt việc tiêm phòng theo quy định
Anh Nguyễn Ngọc Thanh, người dân xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, cho hay “Dịch bệnh dại diễn biến phức tạp, nhưng tôi được Trung tâm Y tế và cơ quan thú y thông tin kịp thời. Địa phương tổ chức tiêm phòng miễn phí cho chó, mèo nên tôi rất sẵn sàng đưa vật nuôi đi tiêm. Xin cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương.”
“Chó, mèo trong nhà tôi sinh sản bao nhiêu, gia đình đều giữ lại nuôi. Cả nhà đều chấp hành việc tiêm phòng đầy đủ, vừa để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, vừa bảo vệ cho chính các vật nuôi.” Chị Voòng Còn Bình, người dân xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, chia sẻ.
Theo cơ quan chuyên môn, ổ dịch dại đầu tiên trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ được ghi nhận vào tháng 12/2024 tại xã Sông Nhạn. Gần đây, huyện tiếp tục ghi nhận thêm một ca bệnh dại tại xã Nhân Nghĩa. Trước nguy cơ dịch lan rộng, chính quyền địa phương đã tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt là tại những khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, rà soát tổng đàn chó mèo và nhanh chóng tiêm phòng khẩn cấp vắc xin dại tại xã Nhân Nghĩa và các xã như Xuân Bảo, Bảo Bình, Long Giao...

Chó thả rông không chích ngừa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Ông Nguyễn Thanh Hưởng, Phó trưởng Trạm chăn nuôi và Thủy sản huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cho biết “Trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh dại. Trạm Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm phòng. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng đạt khoảng 85%. Một số trường hợp đặc biệt chưa tiêm được do chủ nuôi đi vắng, nên hiện địa phương vẫn đang tiếp tục tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung trên địa bàn.”
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt hiện nay, vật nuôi rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh dại. Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.