Bảo vật quốc gia (BVQG) là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được nước CHXHCN Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận BVQG phải do chính Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Theo Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (2009), BVQG là hiện vật gốc độc bản, hiện vật có hình thức độc đáo, hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Huyện Cẩm Mỹ hiện có 02 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là BVQG theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Qua đồng Long Giao theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 và Tượng đồng Tê tê Long Giao theo Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 31/12/2024.

(Tượng đồng Tê tê Long Giao – nguồn: báo Đồng Nai)
Qua tìm hiểu các tài liệu của hồ sơ bảo vật được công bố, đã cho biết: Tượng đồng tê tê Long Giao được phát hiện năm 1985, ở độ sâu 40cm, tại vị trí phát hiện trùng với địa điểm phát hiện bộ sưu tập qua đồng Long Giao. Năm 1986, Nông trường Cao su Cẩm Mỹ đưa về trưng bày tại Nhà truyền thống Nông trường; sau đó bàn giao cho Bảo tàng Đồng Nai bảo quản, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu. Tượng có trọng lượng 2,65kg, được đúc bởi khuôn sáp nhiều mang, thuộc dòng tượng tròn, trong tư thế đứng, cân đối, chất liệu đồng thau. Phần đầu dài, nhỏ, có cấu tạo mõm dài, hơi há ra, mắt lồi nhỏ, hai tai có vành nổi thêm hình tròn như vòng khuyên. Từ cổ đến đuôi có vảy xếp chồng lên nhau theo từng hàng khá đều (phần bụng không có vảy), thân phình to và thuôn nhỏ về đuôi, ở vị trí cuối bụng giáp với đuôi có một lỗ sâu, ăn thông vào khoang bụng. Tượng có 4 chân, 2 chân trước lớn và cao hơn 2 chân sau song không thể hiện 5 ngón và móng vuốt nhọn như vật thật. Bên ngoài Tượng đồng tê tê Long Giao phủ một lớp patina màu xám xanh. Tượng có 4 chân, 2 chân trước lớn và cao hơn 2 chân sau song không thể hiện 5 ngón và móng vuốt nhọn như vật thật. Bên ngoài tượng đồng tê tê Long Giao phủ một lớp patina màu xám xanh. Tượng đồng tê tê Long Giao là hiện vật gốc, độc bản, có tính bản địa, có hình thức độc đáo; là tiêu bản duy nhất phát hiện ở Việt Nam. Về giá trị lịch sử - nghệ thuật, tượng là đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim, có niên đại khoảng thế kỷ I - II.
Bảo vật Quốc gia tượng đồng Tê tê Long Giao hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai cùng 03 bảo vật quốc gia gồm: Qua đồng Long Giao, tượng thần Vishnu Bình Hòa và đàn đá Bình Đa, là những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Có thể nói, sự công nhận BVQG Tượng đồng tê tê Long Giao phản ánh đúng thực chất về giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, là sự trân trọng, ghi nhận của Nhà nước đối với giá trị hiện vật gắn liền với lịch sử vùng đất, con người Cẩm Mỹ (nơi phát tích, phát hiện ra BVQG). Tuy nhiên, rất đáng tiếc đối với công chúng huyện nhà khi rất hiếm có dịp được chiêm ngưỡng, tham quan, tìm hiểu những hiện vật này. Thậm chí, có thể chưa biết đến những hiện vật này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Ðây có thể xem là hạn chế rất lớn đối với việc phát huy giá trị của BVQG về sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cán bộ, nhân dân địa phương.
Ðể có thể đánh thức, lan tỏa những giá trị của BVQG cho nhân dân địa phương, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa, lịch sử vùng đất của nhân dân huyện Cẩm Mỹ; trong thời gian tới đây, các cơ quan chức năng địa phương cần tích cực nghiên cứu tham mưu cấp thẩm quyền triển khai tốt Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 14/02/2025 của UBND tỉnh Đồng Nai, về công bố Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia tượng đồng Tê tê Long Giao; đồng thời triển khai có việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng; tăng cường phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh triển khai việc trưng bày, giới thiệu trực tiếp và giới thiệu thông qua số hóa 3D. Các video giới thiệu BVQG có độ phân giải cao giới thiệu tới công chúng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của bảo vật này; bên cạnh đó triển khai các phương án phục chế phiên bản tỷ lệ 1/1 để phục vụ trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động phục vụ nhân dân và du khách, phát huy tốt bảo vật quốc gia gắn với các sự kiện quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của huyện để nhân dân biết đến BVQG. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến nhân dân trong và ngoài huyện về những giá trị vô giá của BVQG theo đề án của tỉnh về phát huy giá trị bảo vật quốc gia giai đoạn 2024 - 2030; ứng dụng công nghệ số để bảo vệ, quảng bá, phát huy giá trị các bảo vật như sử dụng thiết bị hỗ trợ nghe thuyết minh tự động; tra cứu thông tin bảo vật; tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, góp phần nâng cao ý thức, lòng tự hào giá trị di sản văn hóa của vùng đất, con người Cẩm Mỹ để cùng chung tay xây dựng, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa của vùng đất Cẩm Mỹ, cùng vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.