Cẩm Mỹ, huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai, nơi sinh sống của 22 dân tộc anh em chung sống. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng được thể hiện qua các góc cạnh của đời sống, trong đó có hoạt động thể dục, thể thao. Một số môn thể thao truyền thống phổ biến trong cộng đồng dân tộc trên địa bàn huyện như: Đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, cờ tướng … Đây vừa là các môn TTDT, vừa là trò chơi dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào. Có thể nói rằng, điểm chung cơ bản của những môn thể thao truyền thống, môn thể thao dân tộc là không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật; luật, điều lệ, cách thức khá đơn giản, dễ chơi, không tốn kém kinh phí và thường quy tụ đông đảo mọi người cùng tham gia, không phân biệt giới tính, tuổi tác, giai tầng... Không khí luôn đông vui, tưng bừng náo nhiệt, đoàn kết gắn bó… rất phù hợp với không gian các lễ hội, ngày lễ, tết, hội thao, hội thi. Dù thắng hay thua, tất cả mọi người khi tham gia các môn thể thao truyền thống hầu hết đều rất vui vẻ, tích cực rèn luyện sức khỏe, nêu cao tinh thần thể dục thể thao, tăng cường giao lưu, kết nối cộng đồng.
Trên cơ sở thực hiện tốt các quan điểm, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước; ngành Văn hóa địa phương từ huyện đến cơ sở luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức sâu sắc, tích cực triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị các môn thể thao dân tộc trong tình hình mới. Toàn ngành khắc phục khó khăn; nghiêm túc triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nâng cao nhận thức công tác phát huy giá trị văn hóa dân tộc thông qua các môn thể thao truyền thống, nhằm góp phần củng cố lòng tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bám sát nội dung chỉ đạo theo Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai và hướng dẫn số 1684/HD-BVHTTDL ngày 28/4/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về thực hiện Dự án 06 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc...”, ngành Văn hóa đã chú trọng phục dựng, bảo tồn, tăng cường tổ chức các giải đấu, hội thi thể thao truyền thống trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc 18/11 hàng năm, ngành Văn hóa tích cực phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và UBND các xã, thị trấn duy trì việc tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống bằng việc triển khai tổ chức tốt các môn thể thao phổ biến trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện như: Đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố… Việc bố trí được các môn thể thao truyền thống vào chương trình ngày hội không chỉ làm phong phú thêm chương trình hội mà còn tạo tạo sân chơi, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong Nhân dân trên địa bàn huuyện.
Song song đó, ngành Văn hóa tiếp tục phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc trên địa bàn huyện, với nhiều nội dung phong phú đa dạng. Theo định kỳ 2 năm 1 lần, “Liên hoan văn hóa – thể thao dân tộc” được tổ chức quy mô cấp huyện. Qua đó, đã tập trung giới thiệu đặc trưng văn hóa các dân tộc; tổ chức sôi nổi các hoạt động văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian như: Bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, cờ tướng... Qua việc tổ chức “Liên hoan văn hóa – thể thao dân tộc” cấp huyện, đã rà soát, tuyển chọn thí sinh, vận động viên người dân tộc tham gia “Liên hoan văn hóa – thể thao dân tộc tỉnh Đồng Nai”; kết quả Đoàn Cẩm Mỹ luôn đứng trong tốp 03 đoàn xếp hạng đứng đầu toàn tỉnh.
Vận động viên thi đấu môn đẩy gậy
Cùng với việc duy trì tổ chức giải thi đấu môn thể thao truyền thống, ngành Văn hóa còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương triển khai việc đưa các môn thể thao truyền thống vào trong chương trình hoạt động ngoài giờ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; dành quỹ đất xây dựng sân chơi, bãi tập thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; thành lập các nhóm, câu lạc bộ chơi các môn thể dục thể thao truyền thống… Đặc biệt, định kỳ 4 năm 1 lần tổ chức Đại hội TDTT; ngành Văn hóa tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban ngành cấp huyện và UBND xã, thị trấn tổ chức duy trì bắt buộc 03 đến 05 môn thể dục thể thao dân tộc trong khuôn khổn chương trình thi đấu của đại hội TDTT nhằm góp phần bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa – thể thao truyền thống; đồng thời khuyến khích đồng bào dân tộc tham gia tập luyện TDTT, tăng cường thể lực, sức khỏe.
Các VĐV đạt giải cao môn kéo co, đậy gậy tại Đại hội TDTT huyện Cẩm Mỹ
Phát huy thế mạnh của thể thao truyền thống dân tộc; thời gian tới đây, ngành Văn hóa địa phương tiếp tục phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tổ chức các giải thể thao, trong đó tiếp tục triển khai đưa nhiều môn thể thao truyền thống vào nội dung thi đấu. Đặc biệt, từng bước nâng chất nội dung giao lưu, thi đấu môn TDTT dân tộc tại Ngày hội Đại đoàn kết 18/11 hàng năm; Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc, Đại hội TDTT... Qua đó, góp phần củng cố và phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống tại địa phương. Đồng thời, tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Dòng chảy thời gian tiếp nối, những tác động của đời sống hiện đại đang làm phai mờ dần những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Song với việc thực hiện tốt việc bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm với phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện hiệu quả viêc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các môn thể thao truyền thống, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.