Cẩm Mỹ là vùng đất có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, nghệ thuật riêng được thể hiện qua lễ hội, phong tục tập quán, dân ca, dân vũ đa dạng và giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt, huyện đã đạt được những thành tựu tích cực trong việc chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc song hành với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc". Đến nay, trên địa bàn huyện các loại hình CLB văn hóa, văn nghệ truyển thống dân tộc có: 04 CLB Đờn ca Tài tử duy trì hoạt động tại các xã Xuân Mỹ, Xuân Bảo, Bảo Bình, Xuân Quế; 03 CLB cồng chiêng của (xã Lâm San, Xuân Mỹ, Xuân Quế); 02 CLB đàn Tính, hát Then của xã Sông Ray, các CLB hát Sli của Xuân Tây, Xuân Đông, Sông Ray…
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các CLB, hàng năm ngành Văn hóa huyện mời các Nghệ nhân và cán bộ nghiệp vụ Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy các làn điệu hát, múa; cách thức sinh hoạt; nâng cao kỹ năng biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian; đồng thời phối hợp với Sở VH,TT&DL hỗ trợ trang phục, đạo cụ để duy trì hoạt động các CLB sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống; triển khai tổ chức các chương trình hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ để tạo cơ hội giao lưu, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng hạt nhân năng khiếu văn hóa, văn nghệ truyền thống trên địa bàn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

CLB cồng chiêng của đồng bào Châu ro ấp 4, 5- xã Lâm San biểu diễn tại Nhà văn hóa dân tộc xã Lâm San

CLB hát then ấp 3, xã Sông Ray tham gia biểu diễn tại Tuần lễ du lịch tỉnh Đồng Nai năm 2023
Có thể nói, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống cấp cơ sở là nhân tố quan trọng để góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Hệ thống các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ truyền thống từ huyện đến cơ sở không chỉ là nơi tập hợp, kết nối, tạo sân chơi cho những người có năng khiếu, mà còn đảm trách công tác tuyên truyền, phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống, các phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hoạt động loại hình CBL này hiện còn tồn tại những khó khăn...
* Khó khăn, vướng mắc…
- Khó khăn, vướng mắc từ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống cơ sở: Để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở. Trong đó, đối với câu lạc bộ thể dục, thể thao thì thủ tục thành lập, công nhận và hoạt động thực hiện theo Thông tư số 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể thao cơ sở; Quyết định của UBND tỉnh về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính và Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đối với câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống ở cơ sở thì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như như thủ tục thành lập câu lạc bộ văn hóa, thể thao nêu trên mà hiện nay được thực hiện áp dụng chung chung theo các nội quy định tại Điều 2 và Điều 7 của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ, khi áp dụng chủ yếu chính đối với các loại hình: Liên đoàn, hội, liên hiệp hội, tổng hội, hiệp hội (loại hình phổ biến áp dụng thực hiện ở phạm vi cấp tỉnh, quốc gia). Còn thực tế cấp huyện và cấp cơ sở thì loại hình chủ yếu, phố biến là câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ cơ sở. Do vậy, công tác quản lý, hướng dẫn để nâng cao hiệu quả hoạt động CLB văn hóa, văn nghệ nhằm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước gặp nhiều trở ngại khi hiện tại chưa có quy định cụ thể về thủ tục thành lập, công nhận và hoạt động các CLB văn hóa, văn nghệ truyền thống.
- Khó khăn, vướng mắc từ việc thiếu kinh phí hỗ trợ cho các CLB sinh hoạt thường xuyên; việc xây dựng, duy trì và phát huy đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở...
Hiện nay, ngành Văn hóa địa phương đã và đang xây dựng, duy trì nội dung hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống gồm các loại hình ca nhạc, múa, dân ca, đờn ca tài tử, hát Then và loại hình sân khấu. Những hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ…, đều dựa vào lực lượng này. Từ đó, ngành và địa phương đều có sự quan tâm, tạo điều kiện để các câu lạc bộ hoạt động, vừa tạo sân chơi, duy trì phong trào, vừa theo sự định hướng của ngành. Dù được quan tâm và tạo điều kiện, nhưng việc duy trì, nâng cao chất lượng để các CLB hoạt động sôi nổi, hiệu quả, trong điều kiện hiện tại, vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là thiếu kinh phí hỗ trợ cho các CLB sinh hoạt thường xuyên. Cụ thể: Trong các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống (Đờn ca Tài tử, cồng chiêng, hát Then, hát Sli …) duy nhất chỉ có Đờn ca tài tử được triển khai hỗ trợ theo Quyết định số 262/QĐ-UBND của UBND tỉnh nhưng tới thời điểm này, cũng đã ngưng hỗ trợ kinh phí hoạt động; do đó, không có kinh phí trang trải hoạt động nên các CLB sinh hoạt không tổ chức sinh hoạt thường xuyên, hoạt động mang tính cầm chừng và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ngoài ra, để các CLB chỉ duy trì hoạt động đa phần dựa trên lực lượng thành viên nòng cốt CLB là các nghệ nhân cũng là các cộng tác viên cơ sở, lực lượng này những người tham gia vì đam mê, không có kinh phí hỗ trợ nhiều, nên việc tập hợp không dễ, bởi mỗi người có cuộc sống mưu sinh riêng; luôn thay đổi, do học tập, làm việc… Trong khi đó, đây là lực lượng chính đảm trách việc vừa duy trì phong trào, vừa truyền dạy và xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở… Từ việc chưa xây dựng, duy trì và phát huy đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở cũng là nguyên nhân dẫn tới việc hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả của các CLB văn hóa, văn nghệ truyền thống
Trên đây chỉ là 03 trong số nhiều khó khăn, bất cập trong việc nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống trên địa bàn huyện. Thời gian tới, để các CLB duy trì, nâng chất và tổ chức hoạt động thường xuyên, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ngành văn hóa cùng các địa phương tiếp tục hướng dẫn, tập huấn cho các CLB. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để các CLB tham gia các hội thi, hội diễn. Tạo điều kiện để những người có sở thích, năng khiếu về văn hóa, văn nghệ thành lập CLB phù hợp với từng lứa tuổi, loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống; xây dựng lực lượng cộng tác viên; tạo điều kiện về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, nhạc cụ, trang phục biểu diễn để các CLB văn hóa, văn nghệ truyển thống sinh hoạt luyện tập.…, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong cộng đồng; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc./.