Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em. Một năm ở nước ta có gần 2.000 trẻ em, bị chết do đuối nước. Tức là cứ 100.000 người dân có 5,9 người bị chết do đuối nước. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN (5,2) và thế giới (4,3). Mặc dù trong thời gian qua, công tác phòng, chống tai đuối nước đã được các cấp chính quyền và đoàn thể triển khai nhưng số người tử vong do đuối nước ở nước ta còn rất lớn, đau xót là gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị tai nạn đuối nước nhưng chủ yếu là do sự sao nhãng, bất cẩn, thiếu sự giám sát trông coi của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường sống không an toàn; do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học bơi; do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước (có 77,6% các trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước xảy ra tại cộng đồng, số còn lại là tại gia đình 22,4% và trong trường học 1%). Đuối nước không chỉ ảnh hưởng đến quyền sống của trẻ mà còn để lại những nỗi đau không nguôi trong nhiều gia đình.
Trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, từ đầu năm 2024 đến nay chưa ghi nhận có trường hợp tai nạn đuối nước trẻ em ở nhóm tuổi từ 5 -14 tuổi. Tuy nhiên với đặc điểm là một trong những địa phương có nhiều hồ chứa nước lớn như hồ Suối Vọng, hồ Cầu Mới, hồ Sông Ray, hồ Suối Đôi… phân bố rải đều trên địa bàn toàn huyện. Cùng với đó là hệ thống kênh và số lượng suối nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn đuối nước đối với trẻ em trên địa bàn huyện.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống đuối nước; đồng thời ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc, đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em; các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở cần quan tâm, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đuối nước, trong đó tập trung triển khai các nội dung sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Thứ hai: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục, nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên về các kiến thức, kỹ năng, phòng, chống đuối nước trẻ em.
Thứ ba: Tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ hè.
Lớp bơi, cứu đuối cho trẻ em tại trường Tiểu học Sông Nhạn
Thứ tư: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh hoạt động bơi, lội và các hoạt động vui chơi dưới nước.
Thứ năm: Chủ động, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt…, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện các địa điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo kịp thời…
Ảnh - Nguồn Internet
Tai nạn do đuối nước ở trẻ em hiện là vấn đề nhức nhối đối với cả cộng đồng và gia đình. Để hạn chế mức thấp nhất những trường hợp trẻ em bị đuối nước; trên hết, cần có sự quan tâm mạnh mẽ của người lớn đối với con trẻ và công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Song song đó, chính quyền các cấp, gia đình cần phải luôn nhắc nhở con em không nên chơi tại những khu vực biển, sông, suối, ao, hồ,… nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng; tăng cường giáo dục về kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, tổ chức và trẻ em trong việc phòng chống đuối nước, và cần đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước, thiết thực và hiệu quả hơn góp phần hạn chế về tai nạn đuối nước, thương tích trẻ em./.