Thứ 6 - 26/02/2016
“ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH, CHỐNG NHŨNG NHIỄU, TIÊU CỰC”
SÓNG DẬY MÊ-KÔNG

​Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Xuân Thiều  năm nay 75 tuổi, thuở nhỏ đồng chí sống cùng gia đình ở xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay đồng chí đang sinh sống cùng gia đình ở khu Suối Cả, thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Đồng chí là một trong số rất ít những chiến binh năm xưa từng tham gia nhiều trận đánh trên sông Mê – Kông hiện còn may mắn sống sót trở về bên gia đình và nhìn thấy đất nước ngày càng phát triển. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí kể, đồng chí nhập ngũ ngày 7 tháng 12 năm 1967 và xuất ngũ ngày 1 tháng 1 năm 1991, cấp bậc khi xuất ngũ là Thiếu tá. Khi còn trong quân ngũ, đồng chí giữ chức vụ Phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 874, Quân khu 7.
2022 SONG DAY ME KONG.jpg
(Đồng chí Trịnh Xuân Thiều – anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể về những trận chiến đã tham gia)
       
Từ tháng 3 năm 1968 đến cuối năm 1974, đồng chí Thiều làm nhiệm vụ chiến đấu ở tỉnh Trị Thiên, Nam Bộ và giúp Cách mạng Cam-pu-chia, đã chỉ huy tổ đánh chìm 7 tàu, có 1 tàu trọng tải 5.000 tấn. Với chiến công hiển hách của mình, đồng chí đã  được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, nhiều bằng khen, giấy khen. Vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, tháng 6 năm 1978, đồng chi được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi được tuyên dương danh hiệu anh hùng, đồng chí là chính trị viên đại đội 11, tiểu đoàn 3, Đoàn 316 biệt động Sài Gòn.
Tháng 12 năm 1967, khi đó đồng chí Trịnh Xuân Thiều 21 tuổi, là sinh viên trường Trung cấp Thủy lợi Thanh Hóa sơ tán ở huyện Thiệu Hóa. Hồi ấy, cả miền Bắc trong cao trào chống Mỹ, cứu nước. Các phong trào “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang” biểu lộ khí thế sục sôi hăng hái yêu nước của thanh niên nam nữ từ vùng xuôi đến miền núi, hưởng ứng phong trào, đồng chí Thiểu đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hành trang của người lính hồi đó rất đơn giản chỉ gồm chiếc mũ cối, hai bộ ka ki Tô Châu, tăng, võng, một khẩu AK, vài băng đạn, một ruột tượng gạo... , với một ý trí: Trên đất nước ta còn một tên xâm lược thì chúng ta phải quyết sạch chúng nó đi! Trịnh Xuân Thiều và đồng đội lần lượt đặt chân qua các địa danh nổi tiếng như ngã ba Đồng Lộc  tỉnh Hà Tĩnh, phà Long Đại, tỉnh Quảng Bình, Bến Hải.... Nhiều địa điểm hố bom chồng lên nhau ken dày như mặt sàng. Máy bay địch đêm ngày vần vũ quần đảo.    Tháng giêng âm lịch Mậu Thân 1968, đơn vị đồng chí vào tới căn cứ của sư đoàn Quyết Thắng ở bờ nam sông Bến Hải. Đơn vị được phân ra từng đại đội, trung đội thay nhau đi chiến đấu. Đồng chí nhớ lại lần ra trận đầu tiên trong đời, đồng chí được giao nhiệm vụ diệt một tên ác ôn trong thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Tổ ba người áp sát nhà tên đó thì lũ chó becgiê trong nhà sủa vang báo động. Tên ác ôn chuồn mất bằng cửa sau. Đơn vị của đồng chí Thiều nằm trong lòng địch làm nhiệm vụ đánh phục kích, chống càn, liên tục bị địch tập trung lực lượng càn bố, hy sinh, bị thương hết chỉ còn vài đồng chí. Anh tham gia đánh nhiều trận lớn nhỏ ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cù Dinh, Ba De... ven hàng rào điện tử Mac Namana, bắn cháy một xe tăng Mỹ, đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt tăng. Cuối năm 1968, anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.
Tháng 9 năm 1969, Sư đoàn Quyết Thắng được lệnh chọn 190 đồng chí đảng viên đã kinh qua chiến đấu đi nhận nhiệm vụ mới theo yêu cầu đặc biệt của Bộ Tư lệnh hải quân, trong có đồng chí Thiều. Các đồng chí được biên chế vào Lữ đoàn 126 đặc công thủy. Sách báo nhiều nước gọi đây là “binh chủng Người nhái”.
2022 SONG DAY ME KONG 1.jpg
(Hội cựu chiến binh huyện, hội cựu chiến binh thị trần Long Giao trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe đồng chí Trịnh Xuân Thiều tại nhà riêng của đồng chí ở xã Long Giao)

Sau đúng một năm tập luyện, gần hai trăm “Yết Kiêu” có thể sống dưới nước, bơi và chiến đấu nhiều giờ liền trong nhiều tình huống khác nhau. Tháng 10 năm 1970, đơn vị đi B, mang phiên hiệu mới 2202. Đơn vị đồng chí Thiều lên xe lửa vào Vinh rồi theo đường Hồ Chí Minh thẳng tiến về Nam. Tháng 6 năm 1971, vào tới C40 ở biên giới Lộc Ninh; Quân số của Đoàn 2202 chia làm ba đội. Đồng chí Thiều được điều về Đội đặc công nước 22 gồm 30 chiến sĩ, được lệnh qua tỉnh Kông pông Chàm, phiên chế vào Lữ đoàn 367, Căn cứ của đội 22 đóng quân là nơi có Việt kiều cư ngụ thành xóm nhỏ, làm ruộng, một số làm nghề đánh cá trên sông MêKông, chiến sĩ đội 22 sống với dân Khơme, giống như thần Ăngtê đứng chân trên Đất Mẹ.
Đồng chí bồi hồi nhớ lại: “Ngày 5 tháng 8 năm 1971, tôi được đề bạt chức Trung đội phó, sau khi tới căn cứ của đơn vị đóng quân trên đất bạn và tham gia đánh trận đầu để kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội hải quân. Mục tiêu là chiếc xà lan chở lính Lon – non đậu ở cạnh bót địch. Cơ sở từ bên trong báo ra, gởi kèm sơ đồ nơi xà lan đậu khá tỉ mỉ. Một tổ trinh sát dẫn đường cho tôi và một chiến sỹ tên Long ra tới bờ sông Mê Kông, phía thượng nguồn, cách bót giặc hơn một cây số. Hai chúng tôi ôm trái mìn rùa 18 kg, gắn phao, miệng ngậm ống thở, bơi xuôi theo dòng nước chảy mạnh. Đèn trong bót sáng trưng, bờ sông đoạn đó thoai thoải nên mép nước ra tới chiếc xà lan khá xa. Khác với sông Mã quê hương, sông MeKong có vô số đám lục bình to nhỏ trôi theo dòng nước. Vì thế, lính địch càng khó quan sát đầu ống thở chỉ nhô khỏi mặt nước hơn gang tay. Tôi bơi trước cùng trái mìn, anh Long bơi sau cầm cuối sợi dây buộc mìn; cả hai chẳng mất sức mấy vì nước đẩy các anh cùng trái mìn tiến dần về phía mục tiêu. Khi áp mạnh xà lan, tôi đặt trái mìn giữa hông tàu rồi bấm kíp ngòi nổ hẹn 2 tiếng. Hai người rời mục tiêu, tiếp tục thả trôi theo dòng khoảng vài cây số thì tấp vào điểm cơ sở hẹn đón và được một tổ khác dẫn về căn cứ. Hôm sau, cơ sở mật trong lòng địch báo: Chiếc xà lan bị đánh chìm. Đài phát thanh Phnom-penh cũng loan tin: Việt cộng đánh chìm một xà lan quân sự của Quân đội cộng hòa CamPuChia. Tôi được tặng giấy khen của chỉ huy Lữ đoàn 367. Và để lập thành tích kỷ niệm ngày sinh của Bác 19 tháng 5 năm 1972, trong chiến dịch Chenla, tôi cùng các đồng đội đặc công thủy được lệnh đánh một chiếc tàu chở hàng quân sự hai ngàn tấn đậu ở giữa sông MeKong thuộc cảng Phnompenh. Bằng nghiệp vụ của mình, chúng tôi đã hoàn thành được nhiệm vụ được giao là phá tan tàu địch. Sau trận này, tôi được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, hai đồng đội của tôi cũng được bằng khen của thủ trưởng Lữ đoàn 367.”
Năm 1972, đồng chí Trịnh Xuân Thiều được Đảng ủy – chỉ huy Lữ đoàn 367 xét và quyết định cho viết bản thành tích cá nhân lần thứ nhất để xét đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Tổng cộng đồng chí Trịnh Xuân Thiều đã đánh 15 trận lớn nhỏ trên đất bạn Cam-pu-chia, gây nhiều tổn thất cho địch; tháng 8 năm 1973 đồng chín được cử đi học lớp chính trị viên Đại đội; đến tháng 1 năm 1974 được điều động về Ban cán bộ phòng 7, Bộ tham mưu miền; tháng 3 năm 1975 theo yêu cầu nguyện vọng đồng chí được điều về Đoàn đặc công biệt động 316, được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh chiếm cầu An Phú Đông và làm nhiệm vụ bảo vệ cầu cho cánh quân phía Tây Nam tiến vào giải phóng Sài Gòn, sau đó đại đội 11 của đồng chí tham gia đánh chiếm Bộ tổng tham mưu Ngụy. Do có thành tích xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh và trong quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ, tháng 6 năm 1975 đồng chí được chỉ huy Lữ đoàn 316 xét cho làm báo cáo thành tích lần 2, đề nghị xét phong tặng danh hiệu anh hùng và đến tháng 6 năm 1978 đồng chí Trịnh Xuân Thiều đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hòa bình lập lại chưa được bao lâu, đến tháng 6 năm 1976 Lữ đoàn 816 lại hành quân lên Lộc Ninh làm nhiệm vụ bảo vệ Biên giới, rồi cùng đơn vị quân tình nguyện đồng chí Thiều sang giúp nhân dân CamPuChia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ PonPot, tháng 3 năm 1979 đồng chí được điều động về Lữ đoàn 874 làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sỹ mới bổ sung cho chiến trường CamPuChia cho đến khi nghỉ hưu.
Thời gian cứ mãi trôi, đã gần 55 năm kể từ khi đồng chí Thiều bước vào quân ngũ với nhiều đóng góp của của đồng chí cho công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại hòa bình cho đất nước Việt Nam và giúp nước bạn CamPuChia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ PonPot. Đồng chí là một trong những nhân chứng sống tiêu biểu cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho chúng ta có cuộc sống bình yên hôm nay.
 
THÚY HẰNG
 
 

Thi đua-khen thưởng- kỷ luật

Phát huy truyền thống anh hùng, thanh niên huyện Cẩm Mỹ hăng hái lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tặng hoa động viên thanh niên huyện Cẩm Mỹ lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tặng hoa động viên thanh niên huyện Cẩm Mỹ lên đường nhập ngũ
Các đồng chí lãnh đạo tặng hoa động viên thanh niên huyện Cẩm Mỹ lên đường nhập ngũ
Đại diện tân binh bày tỏ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Lễ giao nhận quân
Xem thêm

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẨM MỸ

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai 
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng Ban biên tập Trang Thông tin điện tử huyện Cẩm Mỹ 
Địa chỉ: Khu phố Suối Cả, Thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
Điện Thoại : (0251)3878565 - Fax: (0251)3878708 - Email: pvhtt-cm@dongnai.gov.vn​

® Ghi rõ nguồn "UBND huyện Cẩm Mỹ" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​